
Đây là sân chơi bổ ích dành cho học sinh yêu thích nghiên cứu khoa học, nhằm định hướng, cổ vũ, động viên học sinh tự sáng tạo, tạo động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng mục tiêu đổi mới của ngành; đồng thời góp phần hình thành tính năng động, sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống và phát triển năng lực học sinh.
Cuộc thi KHKT năm nay dành cho học sinh trung học năm 2015 tại Gia Lai được đánh giá là có quy mô và chất lượng nhất. Các dự án được chuẩn bị công phu, có sự đầu tư về thời gian và trí tuệ. Nhiều dự án có ý nghĩa thiết thực cho việc gắn kết nghiên cứu khoa học với thực tiễn quá trình học tập cũng như đời sống hàng ngày.
Năm nay, có nhiều dự án của các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có chất lượng và được Ban giám khảo đánh giá rất cao.
Một số dự án đã bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn, có tính ứng dụng rất cao như: “Lai căng văn hóa trong đối tượng học sinh trung học phổ thông, từ tâm lý đến biểu hiện” của học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh; “Giải pháp hỗ trợ giảm các triệu chứng tiền mãn kinh của phụ nữ tuổi trung niên” của Trường THPT Chuyên Hùng Vương; “Xây dựng thư viện tiếng Jrai trên nền tảng hệ điều hành Android”, Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai…
Trong số 52 dự án dự thi của các tác giả, nhóm tác giả là các em học sinh trung học, có 23 dự án được vào vòng 2, đó là những dự án được đánh giá cao về khả năng sáng tạo và ứng dụng KHKT trong đời sống. Ở vòng thi chung kết, Ban giám khảo đã chấm và chọn 1 giải nhất, 7 giải nhì, 14 giải ba, 20 giải khuyến khích.
Nguyễn Dũng
Theo giaoducthoidai